ĐT KSK Đoàn 02363 662 995 - 02363 679 555
Hotline 0903 595 593
banner

Gãy xương gò má có cần phẫu thuật không?

Thứ sáu, 28/08/2020, 15:32 GMT+7

1. Gãy xương gò má

Xương gò má là một xương chính cấu trúc nên tầng giữa mặt, tạo nên hình dáng khuôn mặt. Xương gò má dày, khỏe, gồm có ba mặt, bốn bờ và ba góc, tiếp khớp với bốn xương là xương trán, xương thái dương, cánh lớn xương bướm và xương hàm trên bằng bốn khớp là khớp trán gò má, khớp bướm gò má và khớp thái dương gò má.

Xương gò má vừa là chỗ bám của một số cơ mặt (cơ nâng môi trên, cơ cắn) vừa góp phần tạo nên sàn và thành ngoài ổ mắt, nên mọi thay đổi về hình thể, vị trí của xương gò má đều có thể ảnh hưởng đến hoạt động chức năng của mắt. Ngoài ra, xương gò má còn có liên quan chặt chẽ với các dây thần kinh như dây thần kinh mặt, dây thần kinh hàm,...

Gãy xương gò má là một chấn thương nguy hiểm vùng hàm mặt khi xương gò má bị va đập mạnh vào các vật cứng khi tai nạn, té ngã. Gãy xương gò má gây đau nhức, làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ khuôn mặt, tác động đến chức năng của vùng hàm mặt và các bộ phận liên quan như Tai, Mắt, Mũi

2. Các đặc điểm khi bị tai nạn gãy xương gò má

Untitled-1_3

Khi bị gãy xương gò má, động tác há miệng bị hạn chế, khi há miệng cảm giác bị đau nhức, khó chịu

Bệnh nhân bị gãy xương gò má thông thường sẽ có những đặc điểm sau đây:

Khuôn mặt bệnh nhân bị sưng nề, biến dạng một bên, vùng gò má bị lõm, vùng dưới xương gò má và xung quanh mắt bị sưng và bầm tím.

Hiện tượng nhìn một thành hai (song thị), nhìn mọi thứ mờ, không rõ ràng

Động tác há miệng bị hạn chế, khi há miệng cảm giác bị đau nhức, khó chịu

Chảy máu mũi do tổn thương niêm mạc xoang sàng

Tụ máu ở ngách lợi vùng răng hàm bên gãy

Đuôi mắt bị kéo dài, kết mạc tụ máu

Khi ấn có điểm đau nhói hoặc sờ thấy khuyết bậc thang.

Khi bị tai nạn gãy xương gò má, ngoài yếu tố thẩm mỹ của bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề như lõm mắt, lạc chỗ mi mắt ngoài, song thị, mất cảm giác ở vùng dây thần kinh dưới ổ mắt chi phối, viêm xoang hàm tái diễn,... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng sống của bệnh nhân.

3. Gãy xương gò má có cần phẫu thuật không?

Screenshot_4

Gãy xương gò má là một trong những loại chấn thương răng hàm mặt phức tạp nhất

Gãy xương gò má là một trong những loại chấn thương răng hàm mặt phức tạp nhất, mỗi trường hợp bệnh cần được chẩn đoán, nghiên cứu cẩn thận để tìm ra phương pháp điều trị tối ưu, nguyên tắc điều trị là phải nắn chỉnh, cố định lại xương gãy, ngăn ngừa các biến chứng xảy ra, phải điều trị phục hồi chức năng đồng thời đảm bảo yếu tố thẩm mỹ cho bệnh nhân.

Gãy xương gò má có cần phẫu thuật không là mối quan tâm của rất nhiều người. Không có câu trả lời chung cho tất cả các trường hợp mà qua thăm khám lâm sàng và các phương tiện chẩn đoán hình ảnh cận lâm sàng, bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp với từng bệnh nhân. Nếu các trường hợp gãy ít di lệch, bác sĩ sẽ dùng phương pháp nắn chỉnh không phẫu thuật. Phương pháp này giúp phục hồi lại đường viền và kích thước của ổ mắt, giúp giải phóng sự chèn ép dây thần kinh dưới ổ mắt, chức năng nhãn cầu - mi mắt sẽ được phục hồi trở lại. Để thực hiện nắn chỉnh không phẫu thuật, các dụng cụ thích hợp sẽ được sử dụng để nắn chỉnh các phần xương gãy về đúng vị trí giải phẫu. Có nhiều cách và dụng cụ dùng nắn chỉnh như:

Dùng một sonde sắt xuyên qua mũi xoang và đi vào trong xoang để nắn xương gò má gãy.

Dùng cây bóc tách đi đường trong miệng, qua ngách tiền đình để nắn.

Qua một đường rạch ở vùng thái dương, cách đường chân tóc 5-6mm về phía trên, dùng một cây bóc tách luồn xuống để nắn xương gò má gãy.

Sử dụng móc loại lớn xuyên qua da, luồn dưới thân xương rồi kéo nắn.

Có thể dùng hoặc nhiều phương pháp phối hợp với nhau để nắn xương gãy tùy theo loại di lệch. Khi nắn phải kiểm soát được lực nắn để tránh trường hợp làm bật mảnh xương gò má ra ngoài.

Nếu trường hợp gãy xương gò má bị di lệch nhiều, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật xương gò má. Bác sĩ sẽ rạch da và niêm mạc, bộc lộ vùng bị gãy, tiến hành nâng chỉnh các mảnh gãy về đúng vị trí giải phẫu ban đầu, sau đó cố định xương bằng chỉ thép phẫu thuật hoặc nẹp vít nhỏ. Trong trường hợp khớp cắn sai do sự di lệch xương, bác sĩ sẽ chỉnh đóng khớp cắn trong lúc phẫu thuật, nếu không được, cần kết hợp với nắn chỉnh cố định bằng cung móc. Bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh toàn thân, thuốc chống viêm và giảm đau.

Bệnh thường có tiên lượng tốt, các chức năng và yếu tố thẩm mỹ của bệnh nhân sẽ được phục hồi nếu được điều trị kịp thời và đúng kỹ thuật. Phẫu thuật xương gò má nên được tiến hành sau khi hết phù nề, thường ở ngày thứ 4-8 sau chấn thương, chú ý là không để quá lâu mới phẫu thuật vì quá trình cal xơ xương gò má diễn ra nhanh, đặc biệt là ở trẻ em cần được phẫu thuật sớm hơn. Để đề phòng nguy cơ gãy xương gò má có thể xảy ra, cần chú ý các biện pháp an toàn khi tham gia giao thông, có các phương tiện bảo hộ khi lao động và sinh hoạt.

Untitled-13_2

Người bệnh khi đến khám tại Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng sẽ được thăm khám trực tiếp bởi BS. CKI. Nguyễn Đình Đắc Ý (chuyên khoa Răng Hàm Mặt). Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu và điều trị các bệnh lý Răng Hàm Mặt, BS. Ý sẽ giúp cho người bệnh biết được chính xác kết quả đồng thời đưa ra phác đồ điều trị phù hợp tùy vào tình trạng và triệu chứng của bạn, giúp bạn có một cuộc sống tốt đẹp hơn.


Kim Tuyến