ĐT KSK Đoàn 02363 662 998 - 02363 679 555
Hotline 02363 615 115

TẦM SOÁT UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

Thứ năm, 22/06/2023, 16:16 GMT+7

Tầm soát ung thư cổ tử cung (CTC) là gì?

Sàng lọc ung thư CTC là xét nghiệm nhằm tìm kiếm tế bào ung thư ở cổ tử cung và những tế bào có khả năng cao sẽ chuyển thành ung thư, còn gọi là “tiền ung thư”. Với những xét nghiệm này, chúng ta có thể tìm ra được ung thư và tiền ung thư ngay từ giai đoạn rất sớm, từ đó có thể điều trị tốt, thậm chí là chữa khỏi.

Xét nghiệm nào được sử dụng để sàng lọc ung thư CTC?

Một vài hướng để sàng lọc:

  • Pap test: Đôi khi còn được gọi là “Pap smear”. Đây là xét nghiệm lấy các tế bào từ bề mặt CTC, sau đó bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ soi các tế bào dưới kính hiển vi để tìm kiếm và nhận diện tế bào lạ
  • HPV test: HPV là viết tắt của “human papillomavirus” là một loại virus gây u nhú ở người. Một số type của virus này có thể gây ung thư CTC. HPV test là xét nghiệm dịch từ cổ tử cung để tìm kiếm một số loại virus HPV gây bệnh.
  • Test kết hợp: Đây là sự kết hợp của Pap test và HPV test cùng lúc.

 

Lấy mẫu xét nghiệm như thế nào?

  • Đối với cả hai loại xét nghiệm, bác sĩ sẽ lấy tế bào từ bề mặt cổ tử cung của bạn. Để làm điều này, bác sĩ sẽ nhẹ nhàng đưa một thiết bị gọi là "mỏ vịt" vào âm đạo của bạn. Thiết bị này giúp đẩy thành âm đạo ra ngoài để bác sĩ có thể nhìn thấy cổ tử cung. Sau đó, họ sẽ sử dụng một dụng cụ nhỏ để cạo nhẹ các tế bào trên bề mặt cổ tử cung của bạn. Công cụ này trông giống như một cái thìa nhỏ hoặc bàn chải. Điều này có thể hơi khó chịu, nhưng thường không đau. Sau khi lấy mẫu có thể sẽ ra máu nhưng lượng không nhiều và sẽ kết thúc nhanh chóng.

Khi nào thì nên bắt đầu tầm soát ung thư CTC?

  • Hầu hết các chuyên gia khuyên bạn nên bắt đầu làm Pap test khi bước sang tuổi 21. Một số chuyên gia khuyên bạn nên HPV test thay vì Pap test, bắt đầu từ tuổi 25. Tuy nhiên, việc lựa chọn loại xét nghiệm và thời điểm bắt đầu thực hiện có thể tùy thuộc vào dịch tễ, nguồn lực sẵn có của từng quốc gia và tình trạng sinh hoạt tình dục của mỗi cá nhân. Bác sĩ chuyên khoa phụ sản sẽ tư vấn và đưa ra lời khuyên cụ thể cho bạn.
  • Bạn nên bắt đầu làm Pap test ở độ tuổi được khuyến nghị. Ngoài ra, bạn không cần phải bắt đầu sàng lọc ung thư cổ tử cung trước 21 tuổi, ngay cả khi bạn đã có hoạt động tình dục ở độ tuổi trẻ hơn

 

Chuẩn bị cho xét nghiệm như thế nào?

  • Bạn không cần phải làm bất cứ điều gì đặc biệt để chuẩn bị. Việc giữ vệ sinh, tránh ngày hành kinh, tránh quan hệ tình dục hoặc đặt bất cứ thứ gì vào âm đạo trong 2 ngày trước khi Pap test có thể thuận lợi hơn cho việc xét nghiệm.

Nên tầm soát ung thư CTC bao lâu một lần?

Điều đó phụ thuộc vào độ tuổi của bạn và kết quả của các bài kiểm tra trước đây của bạn.

-       Nếu bạn từ 21 đến 29 tuổi, bạn nên làm Pap test 2 - 3 năm một lần. Hoặc, nếu bác sĩ của bạn đề nghị HPV test, bạn nên làm xét nghiệm 5 năm một lần, bắt đầu từ 25 tuổi.

-         Nếu bạn từ 30 tuổi trở lên, bạn có thể làm Pap test 2 - 3 năm một lần. Các lựa chọn khác là HPV test 5 năm một lần hoặc xét nghiệm kết hợp Pap và HPV 5 năm một lần.

-         Nếu bạn từ 65 tuổi trở lên, bạn có thể ngừng Pap test nếu:

o   Bạn đã làm Pap test thường xuyên cho đến khi bạn 65 tuổi.

o   Bạn đã có 3 lần Pap test bình thường liên tiếp hoặc 2 lần Pap test và HPV kết hợp bình thường trong 10 năm qua (nếu xét nghiệm gần đây nhất trong vòng 5 năm qua).

o   Bạn không mắc các bệnh lý khác có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của mình – Những bệnh này bao gồm việc dùng một số loại thuốc hoặc nhiễm HIV.

Bạn cũng có thể làm Pap test vì những lý do khác ngoài tầm soát ung thư cổ tử cung. Ví dụ, nếu bạn bị chảy máu âm đạo bất thường, bác sĩ có thể làm Pap test để tìm ra nguyên nhân.

 

Có cần sàng lọc ung thư cổ tử cung nếu tôi đã cắt bỏ tử cung không?

Nếu bạn đã trải qua phẫu thuật cắt tử cung, hãy hỏi bác sĩ xem bạn có cần tiếp tục khám sàng lọc hay không. Sau khi cắt bỏ tử cung, bạn có thể không cần sàng lọc nếu:

-         Cổ tử cung đã cắt cùng với tử cung trong phẫu thuật cắt tử cung toàn phần

-         Không mắc ung thư hoặc tiền ung thư CTC trước mổ

Nếu bạn không chắc chắn, bác sĩ có thể giúp bạn tìm hiểu xem bạn có cần tiếp tục sàng lọc hay không.

 

Có cần làm xét nghiệm sàng lọc nếu tôi đã chủng ngừa HPV không?

Trả lời: Có.

Tiêm vaccine HPV làm giảm khả năng bị nhiễm virus HPV có thể dẫn đến ung thư CTC. Nhưng nó không bảo vệ được hoàn toàn. Bạn vẫn cần được tầm soát ung thư CTC định kỳ.

 

Nếu kết quả Pap test bất thường thì sao?

Pap test bất thường khá phổ biến và những người có Pap test bất thường chưa chắc đã mắc ung thư. Nếu Pap test của bạn có các tế bào trông bất thường, bác sĩ của bạn có thể thực hiện thêm các xét nghiệm khác để chẩn đoán. Họ sẽ quyết định phải làm gì dựa trên tuổi, kết quả Pap test và kết quả của các xét nghiệm khác mà bạn đã thực hiện.

Các xét nghiệm tiếp theo có thể bao gồm:

-         HPV test – Nếu bạn chưa làm HPV test, bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm xét nghiệm.

-         Làm Pap test khác sau 6 tháng – Đôi khi, nếu bạn đợi và làm Pap test khác, bạn có thể thấy rằng các tế bào bất thường đã trở lại bình thường.

-         Soi cổ tử cung – Đối với xét nghiệm này, bác sĩ sẽ sử dụng mỏ vịt để quan sát cổ tử cung của bạn, nhưng họ sẽ xem xét kỹ hơn bằng cách sử dụng một thiết bị giống như kính hiển vi. Trong quá trình kiểm tra này, bác sĩ cũng có thể lấy những mẫu mô nhỏ từ cổ tử cung. Điều này được gọi là "sinh thiết". Các mẫu mô được kiểm tra trong phòng thí nghiệm.

Nếu bạn bị ung thư cổ tử cung hoặc tiền ung thư, có những phương pháp điều trị hiệu quả. Nếu tình trạng của bạn được phát hiện sớm, rất có thể bạn sẽ được chữa khỏi.

Nếu HPV test cho kết quả dương tính thì sao?

Hầu hết những người có quan hệ tình dục sẽ tiếp xúc với virus HPV vào một thời điểm nào đó và việc nhiễm virus không có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ bị ung thư. Đối với hầu hết mọi người, HPV sẽ tự biến mất, nhưng đối với một số người thì không. Nhiễm HPV kéo dài làm tăng nguy cơ ung thư theo thời gian.

Nếu HPV test của bạn cho kết quả dương tính, bác sĩ đưa ra lời khuyên về những việc cần làm. Điều này một phần sẽ phụ thuộc vào việc kết quả Pap test của bạn có bất thường hay không. Nếu HPV test của bạn dương tính nhưng Pap test của bạn bình thường, bạn có thể cần lặp lại xét nghiệm sau 1 năm để bác sĩ có thể xem có gì thay đổi không.

Chia sẻ từ Ths.Bác sĩ nội trú Nguyễn Trần Tuyết Hạ - Khoa Sản BVĐK Tâm Trí Đà Nẵng.

 

 


kinhdoanh