Thứ hai, 03/07/2023, 16:45 GMT+7
I. ĐẠI CƯƠNG THOÁI HÓA KHỚP
Thoái hóa khớp (THK) là nguyên nhân hàng đầu gây giảm đến mất chức năng vận động ở người lớn, bất kì khớp nào đều có thể bị ảnh hưởng, nhưng khớp gối là vị trí thường gặp nhất. Ước tính thoái hóa khớp gối ảnh hưởng đến trên 10% dân số trên toàn thế giới, và nguy cơ thoái hóa trong suốt đời người là 45%.
Với sự gia tăng tuổi thọ và tỉ lệ béo phì, thoái hóa khớp gối đang ngày càng trở thành gánh nặng về kinh tế và thể chất.
Những hướng dẫn điều trị hiện nay gồm các biện pháp không dùng thuốc (tập thể dục, giảm cân, vật lí trị liệu, dụng cụ hỗ trợ) và dùng thuốc (kháng viêm không steroid, duloxetine, tramadol, các thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm: SYSADOA (glucosamin sulphat, diacerein, avocado soybean unaponifiabled (AUS)), steroid và acid hyaluronic tiêm nội khớp).
Corticoid tiêm nội khớp chỉ có tác dụng giảm đau giới hạn trong vài tuần và việc tiêm lặp lại nhiều lần được xem là có liên quan đến tổn thương sụn và góp phần thúc đầy tiến triển thoái hóa khớp.
Việc sử dụng acid hyaluronic (3 đến 5 lần tiêm cách mỗi 1 tuần) có thể cho hiệu quả giảm đau từ 5-13 tuần (đôi khi đến 1 năm) tuy nhiên không có chức năng tái tạo sụn khớp.
Điều trị ngoại khoa được chỉ định trong những trường hợp có biến đổi giải phẫu khớp, giai đoạn muộn thất bại với điều trị bảo tồn và thường gây tốn kém nhiều cho bệnh nhân.
Vì vậy việc tìm kiếm những phương pháp điều trị bảo tồn an toàn và hiệu quả cho điều trị thoái hóa khớp gối là rất quan trọng.
Các liệu pháp sinh học đang ngày càng được quan tâm và nghiên cứu nhiều hơn, trong đó có huyết tương giàu tiểu cầu tự thân, mở ra một hướng mới để điều trị bảo tồn một cách tự nhiên, sinh lý.
Hình 1. Hình ảnh thoái hóa khớp gối
II. HUYẾT TƯƠNG GIÀU TIỂU CẦU LÀ GÌ
Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP: Platelet Rich Plasma) là huyết tương có nồng độ tiểu cầu cao gấp 4-8 lần so với huyết tương trong máu bình thường, được tách chiết từ chính máu của bệnh nhân, sau đó sẽ được hoạt hóa, quá trình hoạt hóa sẽ giải phóng ra nhiều loại protein là các cytokine chống viêm và các yếu tố tăng trưởng có vai trò quan trọng đối với quá trình làm lành vết thương.
Các cytokin và các yếu tố tăng trưởng được giải phóng từ tiểu cầu sẽ gắn vào các thụ thể (receptor) của các tế bào đích tương ứng như tế bào nguồn gốc trung mô, nguyên bào xương, nguyên bào sợi, tế bào biểu mô, tế bào nội mô… Sự gắn kết này sẽ hoạt hóa một loại protein dẫn truyền tín hiệu nội bào để truyền thông tin tới gen đặc hiệu tương ứng, kết quả là tạo nên sự tăng sinh tế bào, hình thành chất căn bản, các sản phẩm dạng xương, sụn, tổng hợp collagen… tham gia vào quá trình sửa chữa, tái tạo tổ chức tổn thương sụn, xương, phần mềm… Liệu pháp PRP tự thân được sử dụng để điều trị bệnh thoái hóa khớp gối, chấn thương thể thao, viêm gân và các điểm bám tận, kích thích lành vết thương phần mềm cũng như làm nhanh liền xương sau phẫu thuật.
Ưu điểm của PRP là:
III. QUY TRÌNH TÁCH CHIẾT VÀ TIÊM PRP
Hình 2. Quy trình tiêm PRP
IV. LIỆU TRÌNH ĐIỀU TRỊ
- Gồm 3 lần tiêm cách nhau 1 đến 2 tuần.
- Đa số các trường hợp, sau một, hai lần tiêm không có sự chuyển biến nhiều mà cần thêm một khoảng thời gian sau khi tiêm đủ liều mới có sự thuyên giảm triệu chứng. Thời gian phục hồi có thể là hai tuần hoặc kéo dài đến vài tháng sau một liệu trình điều trị, tùy mức độ tổn thương và tùy từng trường hợp cụ thể.
V. BIẾN CHỨNG VÀ XỬ TRÍ
Huyết tương giàu tiểu cầu tự thân được tách chiết từ chính máu của bệnh nhân nên có tính an toàn cao. Tuy nhiên vẫn có thể có một số rủi ro như:
- Nhiễm trùng tại chỗ tiêm
- Đau sau tiêm: triệu chứng thường thuyên giảm và hết sau vài ngày
- Tổn thương thần kinh
- Hiếm gặp: người bệnh quá sợ hãi với biểu hiện kích thích hệ phó giao cảm: choáng váng, vã mồ hôi, cảm giác tức ngực khó thở,…
Lời khuyên sau tiêm PRP:
- Có thể chườm đá lạnh 10-20 phút mỗi 2 đến 3 giờ trong 3 ngày đầu sau tiêm nếu khớp sưng đau.
- Giảm đau với paracetamol
- Tránh kháng viêm non- steroid (ibuprofen, diclofenac,…) vì có thể làm giảm hiệu quả của PRP
- Nghỉ ngơi và tránh các hoạt động tăng tải trọng lên khớp gối trong vài ngày.
????⚕️ Chia sẻ từ BS Nội Trú Phan Thị Bé Ni – Khoa Nội BVĐK Tâm Trí Đà Nẵng.