Thứ năm, 04/01/2024, 14:56 GMT+7
Qua lời kể của bệnh nhân - anh N.T.K (35 tuổi), ngày 28.12.2023 vừa qua bệnh nhân sau khi nhậu với bạn xong, khi ra ngoài vô tình bị xe máy đâm trúng và ngã mạnh về phía trước. Tai nạn bất ngờ khiến bệnh nhân đau ê ẩm vùng hạ vị, buồn tiểu nhưng không đi được. Đến khuya cùng ngày, bệnh nhân đau bụng nhiều và được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Sau khi khai thác bệnh sử và thăm khám lâm sàng, kết quả siêu âm cho thấy ổ bụng có nhiều dịch, CT Scan vùng bụng có cản quang phát hiện vết rách bàng quang dài hơn 6cm. Bác sĩ phẫu thuật xác định bệnh nhân bị vỡ bàng quang trong phúc mạc đồng thời khẩn trương cho chỉ định phẫu thuật cấp cứu để hạn chế nguy cơ viêm phúc mạc (diễn tiến nặng) có thể dẫn tới nhiễm trùng máu gây nguy hiểm tính mạng người bệnh.
Ca phẫu thuật kéo dài gần 1 tiếng rưỡi đã giúp hút hết máu và làm sạch ổ bụng, cắt lọc mô, khâu lại vùng bàng quang bị rách, đặt sonde tiểu và dẫn lưu ổ bụng cho bệnh nhân.
Sau phẫu thuật 1 tuần, người bệnh đã hồi phục hoàn toàn, các kết quả kiểm tra cho thấy tổn thương tại bàng quang đã lành tốt. Hiện giờ, bệnh nhân đã có thể thực hiện các sinh hoạt bình thường.
Theo BS CKI Phạm Kim Tuấn – BS khoa Ngoại BVĐK Tâm Trí Đà Nẵng: “Các triệu chứng của vỡ bàng quang bao gồm: sau chấn thương vùng bụng, vùng hạ vị bệnh nhân đi tiểu ra máu; đau vùng hạ vị; khó khăn hay không thể đi tiểu được. Chụp Xquang có bơm chất cản quang, chụp cắt lớp vi tính, siêu âm có thể thấy tổn thương vỡ bàng quang. Trường hợp vỡ bàng quang trong phúc mạc bắt buộc phải phẫu thuật, cần kiểm tra các tổn thương khác trong ổ bụng, khâu bàng quang và dẫn lưu bàng quang. Vỡ bàng quang có thể phối hợp với các tổn thương khác của đường niệu.”
Để phòng vỡ bàng quang, chúng ta cần tránh chấn thương và tránh để bàng quang căng đầy, khi cơ thể cảm nhận thấy buồn tiểu hay đau tức. Cần lưu ý không nên cố nhịn tiểu, đặc biệt phái mạnh sau cuộc nhậu để tránh vỡ bàng quang khi bị chấn thương.