Permanent Doctor 02363 662 998 - 02363 679 555
Emergency Hotline 02363 615 115
banner

Viêm Amidan Tái Phát Nhiều Lần – Khi Nào Cần Cắt Amidan?

Monday, 24/03/2025, 15:26 GMT+7

1. Amidan là gì?

Amidan họng hay còn gọi là Amidan khẩu cái, hạnh nhân khẩu cái, là tổ chức bạch huyết nằm ở hai bên thành họng miệng, thuộc vòng bạch huyết Waldeyer. Amidan không phải là V.A. Amidan và V.A là hai tổ chức cùng thuộc vòng bạch huyết Waldeyer nhưng nằm ở hai vị trí khác nhau. V.A là viết tắt của từ tiếng Pháp (Végetation adenoides), bình thường nó ở nóc và thành sau của vòm mũi họng, ngay phía sau của cửa mũi sau.

VA

2. Viêm amidan thường gặp ở độ tuổi nào?

Viêm amidan có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở trẻ từ 5 – 15 tuổi. Ở nhóm tuổi này, trẻ dễ bị lây nhiễm virus, vi khuẩn do tiếp xúc gần với bạn bè ở trường học hoặc đồ vật chứa mầm bệnh.

Ở người lớn, viêm amidan thường xuất hiện trên nền các bệnh lý đường hô hấp như viêm xoang, viêm họng, ho kéo dài… Người trên 50 tuổi vẫn có thể bị viêm amidan, đặc biệt nếu có bệnh nền hoặc tiếp xúc thường xuyên với môi trường ô nhiễm.

3. Nguyên nhân gây bệnh amidan?

Các tác nhân gây viêm amidan:

  • Vi khuẩn: liên cầu Beta tan huyết nhóm A, S.pneumoniae, H. influenzae, tụ cầu, liên cầu, xoắn khuẩn, các chủng ái khí và yếm khí;
  • Virus: cúm, sởi, ho gà...

Có nhiều yếu tố thuận lợi gây viêm amidan:

  • Thời tiết thay đổi đột ngột (bị lạnh đột ngột khi mưa, độ ẩm cao...).
  • Ô nhiễm môi trường do bụi, khí, điều kiện sinh hoạt thấp, vệ sinh kém.
  • Sức đề kháng kém, cơ địa dị ứng.
  • Có các ổ viêm nhiễm ở họng, miệng: như sâu răng, viêm lợi, viêm V.A, viêm xoang và do đặc điểm cấu trúc giải phẫu của amidan có nhiều khe kẽ, hốc, ngách là nơi cư trú, ẩn náu và phát triển của vi khuẩn.

Cấu trúc của Amidan có nhiều ngóc ngách, khiến vi khuẩn sinh sôi và các hốc mủ bã đậu sẽ hình thành

4. Khi nào cần cắt amidan?

Không nên chỉ định cắt amidan một cách rộng rãi, chỉ nên cân nhắc cắt Amidan khi đúng chỉ định:

  • Amidan viêm mạn tính mà có nhiều đợt viêm cấp tính trong 1 năm (thường là ≥ 7 lần/ 1 năm, hoặc ≥ 5 lần/ 1 năm trong 2 năm liên tiếp, hoặc ≥ 3 lần/ 1 năm trong 3 năm liên tiếp, hoặc ≥ 1 lần trong 7 năm liên tiếp).
  • Amidan viêm mạn tính gây biến chứng viêm tấy, áp xe quanh Amidan.
  • Amidan viêm mạn tính gây biến chứng viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tấy hạch dưới hàm hoặc thành bên họng…
  • Amidan viêm mạn tính gây biến chứng xa: viêm màng trong tim, viêm cầu thận, viêm khớp, rối loạn tiêu hóa kéo dài, nhiễm khuẩn huyết.
  • Amidan viêm mạn tính quá phát gây khó thở (gây thở ngáy, gây hội chứng ngưng thở khi ngủ), nuốt vướng nuốt khó, giọng nói thay đổi như miệng đang ngậm một vật gì (khó nói).
  • Amidan có khối u hoặc nguy cơ ung thư.

AMIDAN

5. Cần lưu ý gì về việc ăn uống và sinh hoạt sau khi cắt amidan?

Ngày đầu tiên sau khi cắt amidan, sau khi hoàn toàn tỉnh táo, bệnh nhân nên uống sữa lạnh, ăn thức ăn mềm nhuyễn, lỏng, nguội. Mức độ đặc của thức ăn tăng dần đến 10 ngày thì ăn cơm mềm, thức ăn mềm nếu không có hiện tượng chảy máu muộn xảy ra.

Bệnh nhân sau cắt amidan nên kiêng những thức ăn chua, cay, nóng, cứng và những thức uống có màu đỏ hoặc nâu đen (khi nôn ra dễ nhầm với máu) cho đến khi vết mổ lành hẳn.

Chỉ nên súc họng nhẹ nhàng bằng nước muối sinh lý ấm nếu cảm giác vướng, ngứa, đọng dịch tiết nhầy ở họng, không được khạc nhổ mạnh vì có thể làm bong vảy vết mổ nhanh, sớm gây chảy máu.

Bệnh nhân có thể trở lại làm việc sau mổ 1 – 2 ngày đối với công việc nhẹ nhàng, ít đòi hỏi sức lực.

Đặc biệt lưu ý: 5 – 10 ngày sau mổ, một số bệnh nhân có hiện tượng chảy máu muộn do bong vảy vết mổ. Lúc này, bệnh nhân và người nhà không nên hoảng hốt, nên bình tĩnh và thực hiện như sau:

  • Bệnh nhân nên nằm nghỉ ngơi tại chỗ, nằm nghiêng sang một bên, ngậm nước đá viên và chườm đá lạnh hai bên cổ vùng dưới góc hàm.
  • Không nuốt dịch máu mà đùn ra lau sạch;
  • Không khạc nhổ, vì khạc mạnh sẽ làm bong vảy vết mổ nhanh, làm bong đi nút cầm máu sinh lý, hậu quả là máu chảy nhiều hơn và khó cầm.
  • Nên liên hệ với bác sĩ phẫu thuật để được hướng dẫn xử trí tiếp theo.

???? Kết luận

Bác sĩ  khuyến cáo, dù cắt amidan bằng phương pháp nào thì việc theo dõi hậu phẫu là điều quan trọng nhất. Hai tuần đầu tiên sau mổ là giai đoạn quan trọng để cơ thể thích nghi, do đó không nên chủ quan.

Tái khám đúng lịch giúp bác sĩ kiểm tra quá trình lành thương, phát hiện và xử lý sớm các dấu hiệu bất thường. Nếu xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, đau nhiều, chảy máu hoặc khó thở, hãy đến ngay cơ sở y tế.

Lắng nghe cơ thể, đừng chủ quan với viêm amidan tái phát! Nếu bạn hoặc người thân có dấu hiệu cần cắt amidan, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp nhất.


kinhdoanh