Permanent Doctor 02363 662 995 - 02363 679 555
Emergency Hotline 0903 595 593

TÌM HIỂU VỀ BỆNH CHÀM

Monday, 20/11/2017, 14:04 GMT+7

TÌM HIỂU VỀ BỆNH CHÀM.

Chàm là một bệnh da phổ biến, có trên khắp thế giới và là bệnh thường thấy nhất. Các bệnh da xếp vào nhóm bệnh “chàm” tại hầu hết các quốc gia được dùng để chỉ một phạm trù riêng biệt lớn nhất trong các chẩn đoán da học.
Khoảng 10% dân số trên thế giới mắc bệnh chàm. Ở Việt Nam bệnh chàm chiếm 25% trong tổng số các bệnh ngoài da. Chàm là một loại bệnh có sự phối hợp với những biến đổi về mặt địa lý, về chủng tộc và tính mạn của nó. Tỷ lệ tăng ở những quốc gia, ở vùng nhiệt đới
Các từ “viêm da” và “chàm” nói chung được dùng như đồng nghĩa. Tuy nhiên, trong khi mọi dạng chàm đều là viêm da, nhưng không phải viêm da đều là chàm, chàm là một bệnh da không lây truyền, ngứa, viêm. Nó có thể là cấp, bán hay mạn tính. 

Nguyên nhân của bệnh chàm hiện nay chưa rõ. 
Có thể do cơ địa dị ứng, do kích thích của hoá chất như nước rửa chén, bột giặt, cao su, kim loại (chàm tiếp xúc). Yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong sự xuất hiện của bệnh chàm. Những người trong cùng một gia đình có thể có nhiều các loại bệnh dị ứng khác nhau như suyễn, viêm mũi dị ứng, chàm…

Phân loại chàm:
Chàm được phân ra làm nhiều loại như:  - Viêm da dị ứng: thường xảy ra ở người có cơ địa dị ứng và có yếu tố di truyền. Bệnh hay gặp ở trẻ em từ 2 - 18 tháng và thường hết khi trẻ đến tuổi dậy thì. Triệu chứng hay gặp là ngứa ở mặt trong khuỷu tay, nhượng chân, mặt. Chỗ bị ngứa có nhiều mụn nhỏ màu đỏ vỡ ra và chảy nước. Ngoài ra da vùng này đóng vẩy và tróc ra. - Chàm ở tay: gây ra bởi sự kích thích của hoá chất như bột giặt, chất tẩy rửa, găng tay cao su… hoặc không rõ nguyên nhân. Triệu chứng thường thấy là nổi mụn nước và ngứa, da đóng vẩy và tróc vẩy ra. Bệnh thường hết khi không còn tiếp xúc với hoá chất. - Chàm đồng tiền: vết chàm có dạng tròn như đồng tiền, thường gặp ở người lớn. Chỗ bị chàm ngứa, da bị bong vẩy từng mảng. - Chàm thể tạng: hay gặp ở những người có cơ địa dãn tĩnh mạch. Da dễ bị kích thích, viêm và chân bị phù. 

Điều trị bệnh chàm:

Bệnh chàm thường kéo dài dai dẳng khó điều trị dứt hẳn. Để điều trị cần phải: - Tránh các nguyên nhân gây kích thích da như: bột giặt, nước rửa chén, hoá chất… - Chống ngứa bằng các thuốc kháng dị ứng như Chlorpheniramine, Cetirizine… - Uống các loại vitamine nhóm B, C. - Nếu có bội nhiễm dùng thêm kháng sinh. - Corticoid bôi tại chỗ. - Ăn nhiều rau xanh, trái cây. Vấn
đề dùng corticoid toàn thân như K-cort (là dạng corticoid có tên là Triamcinolone ) phải thật thận trọng vì tuy nó có tác dụng ngay và ngoạn mục nhưng có nhiều biến chứng cho cơ thể như teo cơ, xơ hoá cơ (như xơ hoá cơ delta gây hội chứng “chim xệ cánh” chẳng hạn), teo da, áp-xe hoá ngay chỗ chích cho đến những biến chứng nặng như dễ bị lao và các bệnh nhiễm khác do suy giảm miễn dịch; bị loét dạ dày tá tràng; giữ muối và nước gây tăng huyết áp; loãng xương; suy tuyến thượng thận…  Vì vậy, để điều trị chàm thì nên sử dụng corticoid bôi tại chỗ chứ không nên dùng K-cort là loại corticoid tác dụng chậm và kéo dài vì những biến chứng kể trên. Nếu cần thiết phải sử dụng corticoid trong những đợt bệnh diễn biến cấp thì nên dùng corticoid uống và có tác dụng ngắn dưới sự theo dõi của bác sĩ.  
Nếu mang giày vớ suốt ngày càng làm bệnh nặng thêm. Nên để bàn chân thoáng, mang giày có quai không được cọ xát vào nơi da bệnh. Khi làm việc nhà nên mang bao tay, không tiếp xúc trực tiếp với xà bông, chất tẩy rửa. Về điều trị, có thể dùng thuốc kháng histamin, kháng sinh hay sulfamide, sinh tố PP, thuốc hỗ trợ gan, mật. Tránh các loại thức ăn gây ngứa như cá biển, thịt bò, trứng vịt lộn, cua ghẹ. 
Bệnh có thể chữa khỏi hẳn với thuốc Histaglobin. Đây là thuốc giải dị ứng có hiệu quả cho một số bệnh da. Bạn đã được bác sĩ thăm khám trực tiếp và kê đơn thuốc điều trị, bạn nên tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ. 
Ths-Bs Lê Quý Hồng Phát, phòng khám da liễu bệnh viện đa khoa Tâm Trí- Đà Nẵng


admin