Permanent Doctor 02363 662 998 - 02363 679 555
Emergency Hotline 02363 615 115
banner

TẮC TÁ TRÀNG DO DÂY CHẰNG LADD

Wednesday, 11/01/2017, 23:47 GMT+7

TẮC TÁ TRÀNG DO DÂY CHẰNG LADD (Ca bệnh hiếm gặp ở trẻ lớn)
Ngày 10/1/2017, Khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng đã tiếp nhận bệnh nhi 12 tuổi đến từ Quảng Nam là Nguyễn Thanh H.. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng đau bụng từng cơn và nôn ra dịch vàng, đã điều trị trước đó 5 ngày tại bệnh viện tỉnh nhưng không tìm ra nguyên nhân và bệnh tình không thuyên giảm. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng, qua thăm khám lâm sàng và tiến hành siêu âm bệnh nhân được chẩn đoán nghi ngờ xoắn ruột.
Ngay sau đó, Em H. được chỉ định chụp CT bụng cản quang và phát hiện tắc, xoắn tá tràng nghi ngờ do dây chằng Ladd. Bệnh nhi đã được chuyển phẫu thuật ngay để cắt dây chằng Ladd tại Bệnh viện. Tiến hành điều trị bằng phẫu thuật Ladd gồm các thao tác sau đây: Thứ nhất là tháo xoắn trung tràng (midgut volvolus). Thứ hai là cắt bỏ dây chằng trước tá tràng (dây chằng Ladd). Thứ ba là trải rộng mạc treo chung của ruột non và đại tràng (mésentère commun) bằng cách đưa tất cả ruột non về phía bên phải ổ bụng, toàn bộ đại tràng được đưa về phía trái, cắt ruột thừa dự phòng vì lúc này ruột thừa nằm sai chỗ ở vùng thượng vị. Hiện tại hậu phẫu bệnh nhân đã hết đau bụng và hết nôn.
Tắc tá tràng do dây chằng Ladd là bệnh bẩm sinh, rất hiếm gặp ở trẻ lớn nên chẩn đoán rất khó khăn vì vậy cần phải Chụp CT bụng cản quang với máy CT 128 lát cắt của bệnh viện để xác định chẩn đoán.
Tắc tá tràng do dây chằng Ladd được tác giả Ladd phát hiện vào khoảng thập niên 30 của thế kỷ XX. Bệnh thường nằm trong bệnh cảnh ruột ngừng quay ở tư thế 270 độ và một sai lầm trong cố định (malrotation). Bệnh cảnh nầy bao gồm:
1. Một manh tràng ở vùng thượng vị.
2. Một tư thế mạc treo chung khi bình thường.
3. Một xoắn trung tràng nặng hoặc nhẹ quanh trục của động mạch mạc treo tràng trên theo chiều hoặc ngược chiều kim đồng hồ.
4. Một dây chằng Ladd đi từ manh tràng qua thành bụng phải chèn vào gây tắc tá tràng D2.
Bệnh hoàn toàn là bẩm sinh và thường có biểu hiện sớm ngay sau sinh nếu sự chèn ép của dây chằng Ladd lên tá tràng tương đối chặt phối hợp với một xoắn trung tràng nặng. Tuy nhiên nếu sự chèn ép tá tràng lỏng lẻo và chưa xuất hiện xoắn trung tràng thì bệnh nhân sẽ có một thời gian im lặng giả tạo, dài hay ngắn cho đến khi do một điều kiện thuận lợi nào đó làm phát khởi bệnh lý xoắn trung tràng thì lúc đó bệnh mới được phát hiện trên lâm sàng.
Bệnh nhân khi có những triệu chứng như bệnh nhi ở trên nên đến ngay cơ sở y tế có đầy đủ điều kiện chuyên môn và trang thiết bị y khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, nếu chậm trễ có thể xảy ra những tình huống nguy hiểm như tình trạng hoại tử ruột làm cho bệnh cảnh lâm sàng trở nên rất nặng nề.

0C313779DB59546A3FA189F5DA6C16F36BCF92FAA0DE340FF5pimgpsh_fullsize_distr


Bác sĩ Ngô Văn Hoa
TAG: