Wednesday, 16/08/2017, 19:48 GMT+7
ROBOT HIỂN VI TRONG PHẪU THUẬT NỘI SOI
ROBOT
Các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Harvard đã phát triển một thiết bị nội soi mới gọi là cánh tay robot mềm “Soft Robotic Arm”. Thiết bị này được đặt nằm phẳng bên trong máy nội soi vì nó phải đi qua các khu vực hẹp trong cơ thể người, nhưng có thể phẫu tích được nhiều bộ phận trong cơ thể khi cần thiết.
Máy nội soi là một đầu dò ống mềm giúp phẫu thuật viên có thể đưa qua các khu vực hẹp trong cơ thể để thực hiện phẫu tích. Thông thường, đầu dò này có các dụng cụ phẫu thuật cứng đính ở phần đầu. Dụng cụ cứng này có thể gây khó khăn cho phẫu thuật viên nội soi khi cần thao tác một cách chính xác và an toàn, vì nó có thể vô tình làm hỏng các mô mềm trong cơ thể bệnh nhân.
Vấn đề này đã tạo động lực cho các nhà khoa học tại Trường Đại học Harvard phát triển một cánh tay robot mềm để thực hiện thao tác nội soi của họ. Tuy nhiên, việc phát triển thiết bị robot này cũng đã mang lại một số thách thức cho các nhà khoa học. Tommaso Ranzani, nhà nghiên cứu thuộc Viện Harvard Wys và đồng thời cũng là tác giả của một nghiên cứu được công bố gần đây tại Trung tâm Công nghệ Vật Liệu Tiên Tiến (AMT - Advanced Materials Technologies), cho biết: "Ở quy mô millimet, một thiết bị robot có thể trở nên đủ mềm mại, để không gây ra tổn hại lên các mô bên trong cơ thể, nhưng nó lại không thể thực hiện được các thao tác cần thiết. Điều đó gây hạn chế việc áp dụng các công nghệ hiển vi trong quá trình phẫu thuật. Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào chúng ta phát triển được các thiết bị robot mềm có thể vừa thực hiện các phẫu thuật cần thiết vừa tạo an toàn cho bệnh nhân”.
Sheila Russo, một nghiên cứu sinh ngành Khoa Học & Kỹ Thuật Ứng Dụng thuộc Trường Đại học Harvard cho biết: "Chúng tôi phát hiện ra rằng, bằng cách tích hợp bộ vi xử lý chất lỏng vào cấu trúc thiết bị cứng, chúng tôi có thể tạo ra một bộ phận cơ học mềm hoạt động tinh vi làm tăng hiệu năng của các thiết bị truyền động dưới dạng lực, bên cạnh khả năng dự báo và kiểm soát chuyển động. Chúng tôi đã thiết kế một thiết bị có thể nằm phẳng bên trong đèn nội soi trong khi nó được dẫn đến vị trí mà bác sĩ phẫu thuật muốn, tại đây các bác sĩ có thể triển khai một hệ thống mềm có thể tương tác an toàn và hiệu quả với các mô trong cơ thể".
Thiết bị này có thể tương tác và thao tác hiệu quả với các mô mềm và hữu ích cho nhiều quy trình phẫu thuật khác nhau. Nó sử dụng một đầu hút để đạt được hiệu quả này, được lấy cảm hứng từ những giác hút trên xúc tu bạch tuộc. Thiết bị này còn có thể được thu nhỏ đến 1mm, cho phép các phẫu thuật viên sử dụng nó trong các quy trình nội soi khác, chẳng hạn như những cas nội soi trong não hoặc phổi.
Nguồn: www.medgadget.com
Lược dịch: Bs.Nguyễn Hữu Tùng & cộng sự