Wednesday, 24/06/2020, 15:19 GMT+7
Tìm hiểu về gãy sống mũi
Gãy sống mũi là gì?
Gãy sống mũi là tình trạng gãy xương mũi. Trong hầu hết trường hợp, tình trạng gãy xương mũi cũng làm tổn thương sụn mũi và vách ngăn mũi.
Vì mũi nằm ở vị trí trung tâm của khuôn mặt và dễ chịu tác động từ các lực bên ngoài, như tai nạn hoặc ẩu đả, nên sống mũi dễ bị tổn thương, thậm chí là gãy.
Đối với tình trạng gãy xương nhẹ, bạn có thể sưng nhẹ và chảy máu mũi trong thời gian ngắn. Ngược lại, với gãy xương nghiêm trọng, mũi sẽ bị biến dạng rõ ràng hoặc xương mũi lệch ra khỏi vị trí ban đầu ngay sau khi va chạm. Bạn cũng có thể chảy rất nhiều máu, tắc lỗ mũi hoặc có vấn đề với luồng lưu thông không khí do lệch vách ngăn
Nhìn chung, trẻ em thường ít có nguy cơ bị gãy sống mũi hơn người lớn do xương của trẻ linh hoạt hơn và ít giòn. Tuy nhiên, tình trạng gãy mũi ở trẻ em có khả năng gây biến dạng lâu hoặc khiến trẻ khó thở.
Triệu chứng gãy sống mũi
Những dấu hiệu và triệu chứng gãy sống mũi là gì?
Các triệu chứng gãy mũi bao gồm:
Bầm tím, sưng và đau quanh mũi
Chảy máu cam
Mũi biến dạng, xoắn hoặc vẹo
Tắc một hoặc cả hai lỗ mũi
Lệch vách ngăn
Vùng da dưới mắt đổi màu như vết thâm
Ngay cả khi mũi chỉ bị thương nhẹ, khu vực này có thể sưng lên đáng kể trong vòng 1-2 giờ sau khi va chạm. Bạn và bác sĩ thường không thể đánh giá chính xác mức độ tổn thương cho đến khi khi tình trạng sưng không còn.
Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?
Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu có các triệu chứng sau:
Mũi biến dạng sau chấn thương
Tình trạng sưng không giảm sau 3 ngày
Thuốc giảm đau không có tác dụng
Bạn vẫn cảm thấy khó thở bằng mũi sau khi hết sưng
Bạn bị chảy máu cam thường xuyên
Sốt cao (hoặc bạn cảm thấy nóng và run)
Bạn có một vết cắt lớn trên khuôn mặt
Gọi cấp cứu ngay nếu bạn có các triệu chứng sau:
Tình trạng chảy máu mũi sẽ không dừng lại
Một vết thương hở lớn trên mũi
Dịch trong như nước chảy ra từ mũi – đây có thể là dấu hiệu của chấn thương đầu nghiêm trọng
Nhức đầu dữ dội kèm mờ mắt hoặc nhìn đôi
Đau mắt
Đau hoặc cứng cổ – kèm cảm giác tê hoặc ngứa ran ở cánh tay
Cục máu đông ở vách ngăn, gây đau, sưng hoặc tắc thở
Các triệu chứng khác của chấn thương đầu nghiêm trọng, chẳng hạn như ngất xỉu hoặc khó nói
Nguyên nhân gãy sống mũi
Nguyên nhân nào gây gãy sống mũi?
Một lực tác động bất ngờ đến mũi là nguyên nhân phổ biến nhất gây gãy sống mũi. Gãy mũi thường xảy ra cùng với các chấn thương mặt hoặc cổ. Nguyên nhân phổ biến gây gãy sống mũi bao gồm:
Va vào tường
Té ngã
Bị đánh vào mũi trong một môn thể thao tiếp xúc
Tai nạn giao thông
Bị đấm hoặc đá vào mũi
Nguy cơ bị gãy sống mũi
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị gãy sống mũi?
Tai nạn có thể xảy ra với bất cứ ai, vì vậy mọi người đều có nguy cơ bị gãy mũi. Tuy nhiên, một số hoạt động có thể làm tăng nguy cơ gãy xương mũi.
Những người tham gia vào hầu hết các môn thể thao tiếp xúc có nguy cơ bị gãy mũi, như:
Bóng rổ
Quyền anh
Bóng đá
Võ thuật
Bóng đá
Các hoạt động khác cũng có thể khiến bạn gặp rủi ro bao gồm:
Tham gia giao thông không có bảo hộ (mũ bảo hiểm, thắt dây an toàn…)
Lái xe đạp địa hình
Trượt ván
Ngoài ra, người lớn tuổi và trẻ nhỏ cũng có nguy cơ gãy sống mũi cao hơn vì họ dễ bị té ngã.
Chẩn đoán và điều trị gãy sống mũi
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp bạn chẩn đoán gãy sống mũi?
Bác sĩ thường có thể chẩn đoán gãy mũi bằng cách thực hiện kiểm tra thể chất. Nếu bạn bị đau nhiều, họ có thể cho dùng thuốc gây tê cục bộ để làm tê mũi trước khi kiểm tra thể chất.
Bác sĩ có thể yêu cầu bạn quay trở lại sau 2 hoặc 3 ngày khi vết sưng đã giảm để kiểm tra vết thương. Nếu chấn thương mũi có vẻ nghiêm trọng hoặc đi kèm với các chấn thương mặt khác, bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang hoặc CT để xác định mức độ thiệt hại cho mũi và khuôn mặt.
Những phương pháp nào giúp điều trị gãy sống mũi?
Tùy thuộc vào các triệu chứng, bạn có thể cần điều trị y tế ngay lập tức hoặc có thể tự sơ cứu tại nhà và đến gặp bác sĩ.
Sơ cứu tại nhà
Nếu bạn không có triệu chứng cần điều trị y tế ngay lập tức, một số biện pháp có thể giúp bạn sơ cứu vết thương tại nhà như:
Nếu bị chảy máu mũi, bạn hãy ngồi xuống và nghiêng người ra phía trước, đồng thời thở bằng miệng. Bằng cách này, máu sẽ không chảy xuống cổ họng.
Nếu bạn không chảy máu, hãy ngước đầu cao để giảm đau nhói.
Để giảm sưng, bạn hãy chườm lạnh vào mũi trong 15-20 phút, 3-4 lần một ngày.
Dùng acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Advil, Motrin) để giảm đau.
Sau khi sơ cứu, bạn nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được đánh giá đầy đủ mức độ chấn thương. Mọi người thường không nhận ra tất cả các tổn thương nhỏ trên mặt khi bị chấn thương. Do đó, đến gặp bác sĩ sớm để kiểm tra vách ngăn mũi có lệch hay tích tụ máu hay không. Ngoài ra, việc sửa mũi bị gãy sẽ dễ dàng hơn nếu điều trị trong vòng 1-2 tuần sau chấn thương.
Điều trị y tế
Nếu tình trạng gãy xương mũi của bạn nghiêm trọng, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị sau:
Dùng gạc y tế và nẹp để băng mũi
Chỉ định thuốc giảm đau và kháng sinh
Thực hiện phẫu thuật nắn xương kín: trong đó bác sĩ sẽ gây tê cục bộ và nắn lại xương mũi
Phẫu thuật định hình mũi
Phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn đây là một phẫu thuật để sửa chữa vách ngăn mũi
Phẫu thuật nắn xương kín, định hình mũi và chỉnh hình vách ngăn thường được thực hiện sau 3-10 ngày chấn thương. Lúc này, tình trạng sưng đã giảm.
Đối với các tình trạng gãy xương nhẹ không có sai lệch, bạn không cần phải làm các phẫu thuật trên. Tuy nhiên, bác sĩ cần đánh giá chấn thương để xác định phương pháp điều trị nào là phù hợp. Chấn thương từ trung bình đến nặng có thể phải được phẫu thuật.
Bác sĩ sẽ yêu cầu làm phẫu thuật trong vòng 14 ngày sau chấn thương. Cơn đau và khó chịu từ phẫu thuật sẽ bắt đầu giảm trong vòng 72 giờ sau khi làm thủ thuật.
Phòng ngừa gãy sống mũi
Những biện pháp nào phòng ngừa gãy sống mũi?
Một số biện pháp có thể giúp bạn phòng ngừa gãy sống mũi như:
Mang giày có lực bám tốt để chống ngã.
Khi tham gia các môn thể thao tiếp xúc, bạn cần mặc đồ bảo vệ mặt để tránh chấn thương cho mũi.
Đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp, điều khiển xe máy, trượt ván.
Đeo dây an toàn khi ngồi trong ô tô.
Người bệnh khi đến khám tại Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng sẽ được thăm khám trực tiếp bởi BS. Phan Thanh Hoàng (chuyên khoa Tai Mũi Họng). Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu và điều trị các bệnh lý Tai Mũi Họng, BS. Hoàng sẽ giúp cho người bệnh biết được chính xác kết quả đồng thời đưa ra phác đồ điều trị phù hợp tùy vào tình trạng và triệu chứng của bạn, giúp bạn có một cuộc sống tốt đẹp hơn.