Permanent Doctor 02363 662 998 - 02363 679 555
Emergency Hotline 02363 615 115
banner

ĐỪNG ĐỂ KHÔ MẮT DO THIẾU VITAMIN A!

Wednesday, 23/10/2019, 08:32 GMT+7

Vitamin A là loại vitamin cần thiết cho sự phát triển, sức khoẻ, và chức năng bình thường của các mô bề mặt, như biểu mô của da và niêm mạc, và các mô của mắt. Bệnh khô mắt do thiếu vitamin A là biểu hiện sớm và đặc hiệu ở mắt của một bệnh toàn thân do thiếu vitamin A gây ra bao gồm những tổn thương trên kết mạc, giác mạc và võng mạc, thường gặp ở trẻ em.

Những biến đổi ở mắt do thiếu vitamin A bao gồm nhiều mức độ: khô kết mạc biểu hiện tình trạng thiếu vitamin A nhẹ, khô giác mạc thường để chỉ thiếu vitamin A ở mức độ nặng hơn. Khô nhuyễn giác mạc là hình thái trầm trọng nhất ở mắt, làm tiêu giác mạc và thường dẫn đến mù loà vĩnh viễn. Những trẻ em bị khô mắt còn có những bệnh toàn thân kèm theo như ỉa chảy, các bệnh đường hô hấp (viêm phổi), và bệnh sởi.

cac-benh-ve-mat-o-tre-em_1

Biểu hiện của bệnh:

Những biểu hiện sớm và đặc hiệu của bệnh khô mắt gần như theo một trình tự:

+ Quáng gà: trẻ nhìn kém vào lúc có ánh sáng yếu (chập tối), thường khỏi khi dùng vitamin A liều điều trị trong 1 - 2 ngày.

+ Khô kết mạc: có những mảng mất bóng, sù sì, không có nước mắt, cũng có trường hợp kết mạc khô tạo thành những nếp nhăn, cần điều trị bằng vitamin A liều cao, sau 2 tuần sẽ hết.

+ Vệt Bitot: có màu trắng sáng hoặc vàng nhạt, thường có hình ovan hoặc hình tam giác. Vệt Bitot đôi khi không mất đi sau điều trị bằng vitamin A liều cao nhưng nó không ảnh hưởng tới thị lực.

+ Khô giác mạc: bề mặt của giác mạc có những chấm mờ đục hoặc chấm trắng. Khi có dấu hiệu này giác mạc thường kèm theo những phản ứng chói sợ ánh sáng. Có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng vitamin A liều cao trong 1-2 tuần.

+ Loét nhuyễn giác mạc: khi khô giác mạc không được điều trị sớm và đầy đủ sẽ tiến triển dẫn đến tổn thương biểu mô giác mạc, tạo lên những ổ loét. Lúc này đứa trẻ rất chói, sợ ánh sáng, mắt luôn nhắm nghiền. Triệu chứng này. có thể điều trị khỏi bằng vitamin A liều cao nhưng thường để lại sẹo giác mạc.

Cách phòng tránh:

mat_1

- Chế độ ăn đầy đủ cho trẻ, các loại thực phẩm giàu vitamin A như trứng, cá, thịt, gan động vật, tôm, các loại rau có hàm lượng carotene cao như rau muống, xà lách, rau ngót, rau dền,... Các loại rau củ quả như gấc, cà rốt, đu đủ, xoài...

- Bổ sung vitamin A định kì theo lứa tuổi: trẻ em dưới 3 tuổi với liều 200 ngàn đơn vị quốc tế UI, uống một năm 2 lần; đối với trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi dùng liều 100 ngàn đơn vị quốc tế UI.

- Tham gia đầy đủ chương trình tiêm chủng mở rộng.

- Điều trị sớm và tích cực các bệnh toàn thân.

- Phòng chống suy dinh dưỡng.

Bs.CKI Phạm Văn Bình


kinhdoanh