Permanent Doctor 02363 662 998 - 02363 679 555
Emergency Hotline 02363 615 115
banner

DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN HIV TỪ MẸ SANG CON

, 05/06/2021, 16:25 GMT+7

 HIV là 1 căn bệnh thế kỷ, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tìm ra loại thuốc điều trị dứt điểm bệnh này. Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong ba con đường chính làm lây truyền HIV/AIDS, với nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con là 25-40%. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời cho mẹ thì tỷ lệ này chỉ còn 2-6%, thậm chí là 0%. Do vậy, việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Cùng tìm hiểu vai trò của dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

1. Lợi ích của xét nghiệm HIV sớm cho phụ nữ mang thai là gì?

Để bảo vệ sức khỏe cho thai nhi và có 1 thai kỳ khỏe mạnh, an toàn thì tất cả các phụ nữ nên xét nghiệm sớm HIV trước khi mang thai hoặc ngay khi vừa biết mình mang thai. Xét nghiệm và chẩn đoán sớm sẽ giúp phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV được điều trị kịp thời, giảm mức độ nặng của bệnh cũng như dự phòng lây truyền từ mẹ sang con hiệu quả hơn, giúp mẹ khả năng cao sinh ra đứa trẻ không nhiễm HIV.

                                                      HIV_3

2. Phụ nữ mang thai lây truyền HIV từ mẹ sang con qua những con đường nào?

Người phụ nữ mang thai có thể lây truyền HIV cho con:

  • Khi mang thai: HIV từ máu của mẹ bị nhiễm HIV qua nhau thai để vào cơ thể thai nhi
  • Khi sinh: HIV từ nước ối, dịch tử cung, dịch âm đạo của mẹ xâm nhập vào trẻ khi sinh (qua niêm mạc mắt, mũi, hậu môn hoặc da sây sát của trẻ trong quá trình sinh). Trong khi sinh, HIV cũng có thể trong máu mẹ thông qua các vết loét cơ quan sinh dục mẹ và xâm nhập vào cơ thể trẻ sơ sinh.
  • Khi cho con bú: HIV có thể lây qua sữa hoặc qua vết nứt núm vú của mẹ.

3. Thời điểm nào phụ nữ bị nhiễm HIV có thể mang thai an toàn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho con?

Các nghiên cứu khoa học trên thế giới đã cho thấy rằng 1 người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) và khi đạt được tải lượng virus ở ngưỡng không phát hiện trong máu thì hầu như không có nguy cơ lây HIV cho người khác. Chính vì vậy, phụ nữ HIV cần xem xét thời điểm mang thai, đó là khi tải lượng virus trong máu mình thấp, tốt nhất là dưới ngưỡng phát hiện để giảm thiểu nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV và phụ nữ độ tuổi sinh đẻ nhằm ức chế số lượng vi rút trong máu xuống thấp nhất để giảm nguy cơ lây truyền cho bạn tình qua đường tình dục đồng thời cũng giảm nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con khi mang thai với tải lượng vi rút thấp.

Phục hồi khả năng miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội cho người nhiễm nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

4. Các phương pháp giúp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con:

Có nhiều phương pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tùy giai đoạn mang thai như sau:

Trước mang thai:

  • Chủ động xét nghiệm tầm soát phát hiện HIV sớm khi có ý định mang thai
  • Đối với phụ nữ đã nhiễm HIV phải điều trị ARV sớm và lựa chọn thời điểm mang thai phù hợp

Trong khi mang thai:

  • Khám thai định kỳ ở cơ sở chuyên khoa để được tư vấn, hướng dẫn chăm sóc thai và chọn nơi sinh phù hợp
  • Tuân thủ điều trị ARV để tải lượng vi rút trong máu thấp giảm nguy cơ lây truyền cho con

Trong quá trình sinh:

  • Người mẹ nhiễm HIV nên sinh mổ để hạn chế sây xát da em bé, giảm thiểu nguy cơ lây truyền HIV

Sau sinh:

  • Tiếp tục điều trị ARV cho mẹ
  • Trẻ ngay sau sinh trong vòng 24h được uống ARV dự phòng theo chỉ dẫn của bác sĩ
  • Tốt nhất không cho con bú, nếu cho con bú mẹ phải được điều trị ARV và có tải lượng vi rút dưới 200 bản sao trong 1ml máu hoặc tốt nhất là dưới ngưỡng.