Friday, 10/11/2023, 13:55 GMT+7
Vừa qua bệnh nhân S.R.S ( nữ 37 tuổi, quốc tịch nước ngoài) nhập viện với tình trạng hôn mê, đường máu tăng cao 76 mmol/l (cao gấp 11 so với giá trị bình thường) kèm với tình trạng nhiễm toan ceton nặng với pH máu 7.13, HCO3 8 mmol/l, ceton niệu (+++) Creatine 238, lipase 603 kèm theo tình trạng viêm tụy cấp và suy thận cấp. Tiền sử trước đây bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, chưa phát hiện đái tháo đường trước đó.
Bệnh nhân được tiến hành thăm khám và chẩn đoán nguyên nhân và điều trị tích cực theo phác đồ gồm truyền dịch, sử dụng insulin truyền tĩnh mạch liên tục để kiểm soát đường huyết, cân bằng điện giải. Sau hơn 2 ngày điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân ổn định nhanh chóng. Bệnh nhân tỉnh táo, đường máu được kiểm soát, chức năng thận cải thiện tốt và tình trạng viêm tụy cấp cải thiện và ra viện trong tình trạng ổn định sau 6 ngày điều trị.
Theo Ths.Bs Đỗ Thị Ngọc Thủy - Phụ trách Khoa Hồi sức cấp cứu: “Nhiễm toan ceton do đái tháo đường’’ là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường, xảy ra khi cơ thể bệnh nhân sản sinh quá nhiều axit trong máu (được gọi là ceton).
Nhiễm toan ceton do đái tháo đường bao gồm 2 rối loạn sinh hóa nguy hiểm là: Tăng glucose máu, nhiễm ceton, nhiễm toan kèm theo các rối loạn điện giải. Đây là một cấp cứu nội khoa cần được theo dõi tại khoa điều trị tích cực vì có nguy cơ biến chứng nguy hiểm như hôn mê, phù não và thậm chí là tử vong.
Ban đầu, biểu hiện của người bị nhiễm toan ceton sẽ giống với những biểu hiện của bệnh đái tháo đường nhưng ở mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều. Chẳng hạn như bệnh nhân tiểu nhiều, khát nhiều, thường xuyên bị đau bụng, buồn nôn, sụt cân và cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi. Sau đó, bệnh nhân có thể rơi vào trạng thái lơ mơ và có thể dần bị hôn mê. Tình trạng mất nước của bệnh nhân kèm theo dấu hiệu hơi thở có mùi “ceton” chính là những gợi ý quan trọng giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh. Một số biến chứng có thể phát sinh sau nhiễm toan ceton như phù não, ngưng tim, suy thận, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Vì vậy, người bệnh đái tháo đường có thể phòng ngừa nhiễm toan ceton bằng một số biện pháp như dùng thuốc theo quy định (đặc biệt ở những người đang sử dụng insulin tuyệt đối không được dừng thuốc đột ngột), theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu, ăn uống theo chế độ phù hợp dành cho bệnh nhân đái tháo đường, uống đủ nước, tập thể dục thường xuyên.
Nếu có các triệu chứng như ăn nhiều, sụt cân nhiều, khát nước thường xuyên, mệt mỏi thì bệnh nhân nên đi khám để phát hiện sớm các bệnh lý đặc biệt là bệnh lý đái tháo đường để có phương pháp điều trị phù hợp và ngăn ngừa các biến chứng do đái tháo đường gây ra.