Permanent Doctor 02363 662 998 - 02363 679 555
Emergency Hotline 02363 615 115
banner

CẢNH GIÁC BỆNH CÒI XƯƠNG Ở TRẺ NHỎ

Tuesday, 07/11/2017, 13:56 GMT+7

CẢNH GIÁC BỆNH CÒI XƯƠNG Ở TRẺ NHỎ

Là bệnh gây ra do cơ thể bị thiếu vitamin D, dẫn đến thiếu canxi làm ảnh hưởng phát triển hệ xương. Bệnh xảy ra nhiều ở trẻ dưới 3 tuổi, cao nhất ở lứa tuổi 3-18 tháng.
Nguyên nhân thường gặp nhất là thiếu vitamin D do thiếu cung cấp (ít phơi nắng, da sậm màu, trẻ sinh non, trẻ quá bụ bẫm…), ngoài ra có còi xương do mất vitamin D qua thận…, còi xương do kháng vitamin D.

Những dấu hiệu chứng tỏ trẻ bị còi xương
Trẻ hay quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình, ra nhiều mồ hôi khi ngủ.
Xuất hiện rụng tóc vùng sau gáy tạo thành hình vành khăn.
Các biểu hiện ở xương: thóp rộng, bờ thóp mềm, thóp lâu kín, có các bướu đỉnh, bướu trán (trán dô), đầu bẹp cá trê.
Các trường hợp còi xương nặng có di chứng: chuỗi hạt sườn, dô ức gà, vòng cổ chân, cổ tay, chân cong hình chữ X, chữ O.
Răng mọc chậm, trương lực cơ nhẽo, táo bón.
Chậm phát triển vận động: chậm biết lẫy, biết bò, đi, đứng…
Trong trường hợp còi xương cấp tính: trẻ có thể bị co giật do hạ canxi máu.

Nguyên nhân thiếu vitamin D
Thiếu ánh nắng mặt trời:
Nhà ở chât hẹp, tối tăm.
Không cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Mặc quá nhiều quần áo.
Thời tiết sương mù (mùa đông xuân...).
Ăn uống:
Trẻ em thiếu sữa mẹ: Sữa mẹ có tỷ lê calci/phosphor hợp lý, dễ hấp thu và tỷ lê vitamin D cao hơn sữa bò.
Ăn nhiều bột cũng cản trở quá trình hấp thu calci, phosphor.
Yếu tố nguy cơ:
Tuổi: bệnh còi xương hay xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi, là tuổi mà hê xương phát triển mạnh nhất.
Trẻ đẻ non: Có nhu cầu phát triển cao hơn, trong khi đó sự tích luỹ muối khoáng và vitamin D lại kém hơn.
Trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn nhất là ở hê tiêu hoá và hô hấp.
Màu da: Trẻ da màu hay bị còi xương hơn vì có sự cản trở quá trình tổng hợp vitamin D tại da.

Phòng ngừa:
- Cho trẻ tắm nắng hàng ngày: Để chân, tay, lưng, bụng trẻ lộ ra ngoài từ 15-30 phút lúc buổi sáng (trước 9 giờ). Lưu ý phải tắm nắng trực tiếp, nghĩa là không đứng sau lớp kính cửa sổ vì sẽ không còn tác dụng.
- Khi trẻ ăn dặm: cho trẻ ăn các loại thực phẩm có chứa nhiều canxi ( Sữa, trứng, tôm, cua, cá, rau xanh…) và dầu mỡ.
- Ở những nơi thiếu ánh nắng mặt trời, cung cấp vitamin D phụ thuộc nhiều vào chế độ ăn. Tất cả các đối tượng trẻ nhũ nhi, trẻ nhỏ, thiếu niên đều phải được cung cấp tối thiểu 400 UI vitamin D mỗi ngày. Để đạt được nhu cầu trên, viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa kỳ khuyến cáo:
+ Bổ sung vitamin D từ sau sinh cho trẻ bú mẹ hoàn toàn và bú mẹ một phần với liều 400 UI/ngày ( 10 µg cholecalciferol) cho đến khi trẻ bú được khoảng 1l sữa/ngày hoặc uống thêm trên 250ml sữa có bổ sung vitamin D. Không dùng sữa bò tươi cho trẻ dưới 1 tuổi .
+ Trẻ nhỏ và thiếu niên nếu ăn ít thực phẩm bổ sung vitamin D (sữa, bột, lòng đỏ trứng…) cũng nên bổ sung  vitamin D200- 400 UI/ngày.
+ Trẻ có nguy cơ thiếu vitamin D như kém hấp thu mỡ (suy tụy, bệnh gan mạn…), sử dụng thuốc chống động kinh phải được theo dõi nồng độ vitamin D và bổ sung định kỳ. Liều cao hơn bình thường 2-4 lần.
- Khi có thai, người mẹ phải có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý. Có thể uống vitamin D khi thai được 7 tháng: 200.000UI/ 1 lần duy nhất.
 
 Điều trị:
- Vitamin D2: 2000-5000UI/ ngày trong 2-4 tuần.
- Sau đó bổ sung 400 UI/ ngày trong 12-24 tháng.
- Bổ sung canxi và chế độ dinh dưỡng hợp lý.
BS Nguyễn Thị Thanh Oanh, Khoa Nhi Bệnh Viện Tâm Trí Đà Nẵng


admin
TAG: