Monday, 09/10/2017, 00:08 GMT+7
1. Mụn từ đâu mà có? các nguyên nhân gây ra mụn các nguyên nhân gây ra mụn
Theo nghiên cứu, mụn xuất hiện là kết quả của nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng nhìn chung có thể kể đến hai yếu tố chính là nội tiết tố (hormone) và các vi khuẩn sống ở nang lông. Sự mất cân bằng nội tiết tố khiến cho tuyến bã ở da hoạt động thái quá làm tiết nhiều bã nhờn, trong khi miệng nang lông lại bị bít kín dẫn đến việc chất bã nhờn ứ đọng lại ở lỗ chân lông tạo thành nhân mụn (comedone). Khi nhân mụn thành hình và có quá nhiều bã nhờn làm cho lỗ chân lông bị bít kín sẽ sản sinh ra một loại vi khuẩn có tên là Propionibacterium acnes, dẫn đến viêm nhiễm da, hình thành mụn mủ, mụn bọc.
2. Các cấp độ của mụn:
Mụn đầu trắng: thường nằm gọn trong lỗ chân lông, không nổi lên bề mặt làn da và được gọi là mụn cám.
Mụn đầu đen: một phần nhân mụn nổi lên khỏi lỗ chân lông và được gọi là mụn trứng cá đầu đen.
Khi 2 loại mụn này bị tác động, cấu trúc bị thay đổi sẽ dẫn tới sự phát triển của rất nhiều loại thương tổn - lúc này, chúng có thể biến thành những nhọt đầy mủ.
Khi mụn đầu trắng bị “kéo” ra khỏi nang lông, nhọt sẽ hình thành. Chất dầu sẽ hóa rắn, các tế bào chết trong lỗ chân lông và vi khuẩn sẽ nhanh chóng tập hợp, tạo ra mụn mủ - viêm da.
Nếu mụn mủ tiếp tục bị viêm, sẽ hình thành các mụn thể nang.
Các thể nang này khi bị “phá vỡ” sẽ chỉ khỏi tạm thời (hình thành mụn mủ mới) hoặc trở thành sẹo vĩnh viễn.
3 .Điều trị và phòng ngừa mụn trứng cá.
Hiện chưa có phương pháp nào giúp phòng mụn trứng cá hoàn toàn. Do vậy, giúp phòng ngừa và điều trị hiệu quả mụn trứng cá cũng như ngăn ngừa mụn mọc thêm, các bác sĩ chuyên khoa da liễu đưa ra phác đồ khuyến cáo chung:
- Chăm sóc da đều đặn mỗi ngày, rửa mặt nhẹ nhàng, rửa sạch mặt trước khi đi ngủ, ngay khi ra đường về không chà xát da quá mạnh và quá thường xuyên, tôn trọng cấu trúc da. Không tự ý cạy, nặn mụn.
- Tránh làm việc gây đổ mồ hôi quá nhiều. Tắm và lau sạch cơ thể sau khi ra nhiều mồ hôi.
- Trường hợp mụn mủ có thể bôi chế phẩm chứa kháng sinh, kháng khuẩn (khi dùng kháng sinh đường uống phải theo chỉ dẫn của bác sĩ), hoặc một số chế phẩm giúp giảm sừng hóa, tan nhân mụn.
- Không thoa các loại mỹ phẩm lên da, nhất là dạng crème (kem), dạng dầu...
- Không dùng corticoide.
- Kết hợp uống các thảo dược có tác dụng từ từ giúp tái lập cân bằng sinh lý da, tăng hiệu quả điều trị mụn trứng cá của các thuốc tác dụng tại chỗ. Từ đó tạo tác dụng hiệp đồng giúp mụn trứng cá nhanh khỏi hơn đồng thời giảm nguy cơ mụn mọc thêm và tái phát.
- Đảm bảo chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ, hạn chế stress. Giảm bớt căng thẳng tinh thần trong cuộc sống.
- Kiêng ăn các thức ăn ngọt - béo như chè, bánh ngọt, chocolate, xoài, sầu riêng...
- Tránh để táo bón
Trường hợp viêm da nặng, người bệnh nên đến bệnh viện, phòng khám chuyên khoa da liễu để khám và điều trị.
Ths-BS Lê quý Hồng Phát, khoa da liễu bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đà nẵng